Tôi có nghe câu chuyện này loáng thoáng trong những lần ngụ ở Huế. Tựa như là nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cũng có kể.
"Năm 1946, sau khi bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) ở Hà Nội về, bác Nguyễn Sinh Khiêm lên đường từ Nghệ An ra Hà Nội. Lúc đầu bác đi bộ từ huyện Nam Đàn ra ga Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, quãng đường ước chừng 70 cây số. Lúc bác lấy vé tàu từ ga Cầu Giát, nhiều bà con ở đây đã chạy đến vây kín lấy bác, ai cũng khẳng định đây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh cải trang để vi hành.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng (Viện Mác - Lê-nin đã về hưu) lúc bấy giờ là cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng là Bác Hồ, xúc động nhìn Người. Bởi trông bác Nguyễn Sinh Khiêm có nhiều điểm giống người em trai Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh lúc ấy. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã vui vẻ cải chính với bà con, khẳng định mình chỉ là một người dân bình thường.
Tàu đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội, cụ Nguyễn Sinh Khiêm vừa bước ra khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại ùa đến vây kín. Đông đảo bà con Hà Nội khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang để vi hành xem xét tình hình. Bác Nguyễn Sinh Khiêm nói: "Thưa bà con. Tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải là Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, cứ mỗi lúc kéo đến mỗi đông, kín cả vòng trong vòng ngoài, khiến người khách xứ Nghệ không thể đi được.
May là lúc ấy có một số chiến sĩ công an phát hiện thấy tình hình rất lạ, liền gọi điện về báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương. Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác".
Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo, chột dạ, liền cử ngay cán bộ đưa ra ga Hàng Cỏ đón người khách. Khi được hỏi: "Thưa cụ, có phải cụ là anh trai Bác Hồ thì mời cụ lên xe chúng cháu đón về", bất đắc dĩ có lẽ vì cần thoát khỏi đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã lên xe về Nha Công an Trung ương.
Đồng chí Lê Giản báo cáo với Bí thư của Bác Hồ lúc ấy là ông Vũ Đình Huỳnh, nhờ ông báo cáo với Bác chuyện cụ Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm… . Biết chắc đây là người anh ruột của Bác Hồ, đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện:
- Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe ra đón, đỡ vất vả.
Vừa nghe xong, cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay:
- Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước.
Nghe nói thế, đồng chí Lê Giản thành khẩn xin lỗi bác Nguyễn Sinh Khiêm.
Khi được nghe báo cáo chuyện người anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động.
Nhớ lần trước, lúc Bác Hồ đang chủ trì cuộc họp quan trọng bàn chuyện cấp gạo cho quân Tàu Tưởng, khi nghe Thư ký thông báo rất nhỏ là có cô Nguyễn Thị Thanh ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào bàn để kìm nén nỗi xúc động quá lớn; nhiều người lúc ấy thấy đôi mắt của Bác rớm lệ…"
Còn lời kể khác (ở Huế) thì lại như sau ("ông thầy Nghệ" là chỉ cụ Cả Khiêm):
" Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) hoạt động chính trị của ông Thầy Nghệ dần dần hiện rõ. Lính Nhật rải ra đóng đồn giữa các cầu trên quốc lộ 1, lính Nhật gác cầu An Lỗ hay về làng Phú Lễ mua thực phẩm. Ông Thầy Nghệ và ông ấm Hoàng hay bút đàm với Nhật để tìm hiểu tình hình chiến tranh giữa Nhật và đồng minh Liên Xô.
Ông Thầy Nghệ biết rất sớm tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, báo tin cho mọi người phấn khởi. Tôi vẫn nhớ gần đến ngày 23/8/1945, anh ruột của tôi là Nguyễn Xuân Nghị, có tham gia cách mạng trước khởi nghĩa, một hôm về nhà hồ hởi nói với chúng tôi : ông Thầy Nghệ nói rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1946 ông Thầy Nghệ dắt hai thanh niên là Hà Hữu Thừa (con trai bà Giáng) và Nguyễn Hữu Tạo (cháu ông ấm Hoàng) rời Phú Lễ đi tàu hoả ra Hà Nội thăm người em là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Hà Hữu Thừa kể rằng cuộc gặp ở Bắc Bộ phủ, chỉ Hồ chủ tịch tiếp ông Thầy Nghệ ở tầng trên, hai anh Thừa và Tạo không được lên. Sau đó ông Thầy Nghệ về tại Nam Đàn mua vé cho hai anh Thừa và Tạo về Phú Lễ, dặn dò nhắn nhủ rất kỹ lưỡng để hai anh về còn mình thì ở lại Nam Đàn. Không ngờ cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến ông Thầy Nghệ không còn cơ hội trở về Phú Lễ nữa và mất ở quê nhà Nam Đàn năm 1950 "
Một ông thầy dạy tiếng Nga cho bọn tôi ở đại học, từng là phiên dịch tiếng Nga cho Hồ Chủ tịch, thì kể gần giống với người Huế. Tựa như, tư liệu đó, ông thầy đã cho đăng trên báo.
---
LƯU TƯ LIỆU
Đoạn kể ở trên được trích ra từ bài dưới đây.
Nguyễn Xuân Chánh: Làng Phú Lễ - như tôi được biết (phần 3)
3/1/2013 by admin
Sang đến thế kỷ 20 cũng như ở nhiều làng quê khác, ở Phú Lễ lớp các nhà khoa bảng nho học hết dần, tầng lớp tân học xuất hiện, đã nghe thấy ở làng có những người đỗ thành chung (diplôme), đỗ tú tài tây và có cả kỹ sư nữa. nhưng nổi bật là những hoạt động chính trị mà đối với dân làng thì ít ai biết rõ.
Không hiểu sao từ năm 1929 ở làng lại xuất hiện ông thầy Nghệ một người để râu lưa thưa mặc quần áo nâu, đi guốc và nói tiếng Nghệ. Ông hay đi chơi, ghé vào nhiều nhà và người ta đồn đại rằng ông rất giỏi thuốc nam.Gần 15 năm sau, lúc cách mạng thành công rồi mọi người mới biết đó là ông Nguyễn Sinh Khiêm, còn gọi là ông Cả Khiêm và còn có một tên nữa là Nguyễn Tất Đạt, anh ruột của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng từ trước đến sau người Phú Lễ chỉ gọi ông là ông Thầy Nghệ.
Chưa thật rõ nguyên nhân ông thầy Nghệ về làng Phú Lễ. Có người nói đó là do ông Cửu Thâm (Trần Bá Thâm) một nhà nho phóng khoáng, giỏi nghề bốc thuốc bắc, hay uống rượu gặp ông thầy Nghệ ở gần đường sắt, hơi lảo đảo vì rượu nên như người đồng cảnh ngộ rủ về làng mình ở Phú Lễ để chơi từ đó bén duyên với làng Phú Lễ. Một nguồn tin khác mà sau này tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân viết ra về làng Phú Lễ thì nói rằng là do ông ấm Hoàng (Nguyễn Hữu Hoàng) người ở làng Nam Dương nhưng có nhà và làm ăn buôn bán ở làng Phú Lễ do quen biết với ông Thầy Nghệ nên rủ về Phú Lễ ở. Chi tiết ra thì ông ấm Hoàng có người em là Nguyễn Hữu Quế được giới thiệu sang học ở nhà cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự (Huế). Hay đến thăm em nên ông ấm Hoàng quen biết với cụ Phan Bội Châu và quen biết với người gần gũi của cụ Phan Bội Châu là ông Nguyễn Sinh Khiêm. Biết là ông Cả Khiêm bị thực đân pháp bắt buộc phải đi an trí tức là ở một nơi xa thành phố Huế, không được hoạt động chính trị và định kỳ phải báo cáo chỗ ở của mình, Ông ấm Hoàng mời ông Cả Khiêm về an trí ở làng Phú Lễ. Biết tin, cụ Phan nói với ông ấm Hoàng :"Có ai ngó được chú cưới cho một người để giữ chân anh ta lại "
Ông Cả Khiêm lúc mới về ở nhà ông ấm Hoàng ở ngay chợ Phú Lễ. Đối diện với nhà ông ấm Hoàng là nhà bà Nguyễn Thị Giáng làm nghề bán hàng xén, cửa hàng là gian phía trước của ngôi nhà ở. Bà Giáng là người Phú Lễ, có bà con với ông ấm Hoàng, sang làm dâu nhà họ Hà ở làng Phú Ốc ở bên kia sông đối diện với làng Phú Lễ. Không may chồng bà Giáng qua đời để lại cho bà Giáng một người con trai còn đi chập chững. Từ ngày chồng chết, bà Giáng trở về nhà mình ở chợ Phú Lễ để ở buôn bán hàng xén lấy tiền sinh sống, nuôi con. Bà hay đau ốm thuốc thang nhiều nhưng không khỏi. Nhờ thang thuốc nam của ông Cả Khiêm bà khỏi hẳn bệnh. Sau ngày bà Giáng mãn tang chồng, ông Cả Khiêm đến ăn ở luôn nhà bà Giáng. Cậu bé con trai bà là Hà Hữu Thừa lúc đó đã hơn ba tuổi được ông Cả Khiêm yêu mến chăm sóc như con đẻ.
Cuối năm 1933 bà Giáng sinh cho ông cả Khiêm một người con gái lên ba tuổi thì mất vì bệnh. Năm 1937 bà Giáng sinh tiếp người con gái thứ hai. Lúc này bà Nguyễn Thị Thanh chị ruột của ông Cả Khiêm đang ở gần Huế nên đã về Phú Lễ thăm cháu, ở lại tại nhà Bà Giáng để chăm sóc cháu. Đến đầu năm 1940, người con gái thứ hai lúc đó mới hơn ba tuổi cũng bị bệnh và qua đời. Ông Cả Khiêm rất đau buồn vì làm thầy thuốc mà không cứu được con. Tháng 2 năm 1940 ông Cả Khiêm tạm biệt bà Giáng, từ Phú Lễ về lại Nghệ An. Về quê, ông thấy rằng thân mẫu của ông do bà Thanh cải táng từ Huế ra chôn ở vườn chỉ là tạm thời nên tìm chỗ xem đất đưa thân mẫu lên núi Đại Huệ. Ông lại đến thành phố Vinh tổ chức diễn tuồng Trưng Nữ Vương do cụ Phan Bội Châu soạn, rồi mở lớp dạy võ cho thanh niên. Thực dân Pháp nghi ngờ ông tập hợp lực lượng để chống Pháp, bắt giam ông mấy tháng rồi buộc ông về nơi an trí cũ. Ông lại về Phú Lễ ở cùng bà Giáng và năm 1943 bà Giáng lại sinh được một con trai đặt tên là Nguyễn Tất Thông, chỉ nuôi được sáu tháng rồi lại mất. Thời gian này ông Cả Khiêm hay ra Phò Trạch thăm thầy Lê Văn Miến là thầy học của cả hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành ở Quốc học Huế. Khi thầy Lê Văn Miến mất, ông Cả Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt là đại diện của học sinh Quốc học đứng chia tang thầy. Những thông tin trên được biết sau này. Đối với người dân Phú Lễ bình thường cho đến gần ngày khởi nghĩa chỉ biết là có ông thầy Nghệ đến ở làng mình, lấy bà Giáng, có ba con với bà Giáng nhưng đều không nuôi được. Bà Thanh chị ông Thầy Nghệ có về làng Phú Lễ hình như đi buôn súng. Trong làng ở gần chợ có ba ông hay gặp gỡ nói chuyện với nhau là ông ấm Hoàng, ông Cửu Thâm và ông Thầy Nghệ. Tung tích của ông Thầy Nghệ thực là bí ẩn.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) hoạt động chính trị của ông Thầy Nghệ dần dần hiện rõ. Lính Nhật rải ra đóng đồn giữa các cầu trên quốc lộ 1, lính Nhật gác cầu An Lỗ hay về làng Phú Lễ mua thực phẩm. Ông Thầy Nghệ và ông ấm Hoàng hay bút đàm với Nhật để tìm hiểu tình hình chiến tranh giữa Nhật và đồng minh Liên Xô. Ông Thầy Nghệ biết rất sớm tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, báo tin cho mọi người phấn khởi. Tôi vẫn nhớ gần đến ngày 23/8/1945, anh ruột của tôi là Nguyễn Xuân Nghị, có tham gia cách mạng trước khởi nghĩa, một hôm về nhà hồ hởi nói với chúng tôi : ông Thầy Nghệ nói rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1946 ông Thầy Nghệ dắt hai thanh niên là Hà Hữu Thừa (con trai bà Giáng) và Nguyễn Hữu Tạo (cháu ông ấm Hoàng) rời Phú Lễ đi tàu hoả ra Hà Nội thăm người em là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Hà Hữu Thừa kể rằng cuộc gặp ở Bắc Bộ phủ, chỉ Hồ chủ tịch tiếp ông Thầy Nghệ ở tầng trên, hai anh Thừa và Tạo không được lên. Sau đó ông Thầy Nghệ về tại Nam Đàn mua vé cho hai anh Thừa và Tạo về Phú Lễ, dặn dò nhắn nhủ rất kỹ lưỡng để hai anh về còn mình thì ở lại Nam Đàn. Không ngờ cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến ông Thầy Nghệ không còn cơ hội trở về Phú Lễ nữa và mất ở quê nhà Nam Đàn năm 1950
Anh Thừa về Phú Lễ rồi gia nhập ngay quân đội đi chiến đấu. Bà Giáng ở nhà một mình, không liên lạc được với con và với chồng. Bà mất ở làng năm 1960. Mãi đến năm 1975 anh Thừa mới về được Phú Lễ thăm mộ mẹ còn mộ của ba người em khó tìm thấy vì khu nghĩa trang của họ Nguyễn Tăng bị xâm lấn.
Như vậy ông Thầy Nghệ đã ở làng Phú Lễ đến 16 năm, từ 1930 đến 1946. Hoạt động cách mạng của ông ở làng Phú Lễ ít ai biết. Trong hồi ký "Quê hương và Cách mạng” của Hoàng Anh có nói đến "nhóm thanh niên sông Bồ ” đã làm quen với một số nhân sĩ yêu nước như bác ấm Hoàng và bác Nguyễn Tất Đạt ở Quảng Điền. Bác Nguyễn Tất Đạt chính là ông Thầy Nghệ, Bác ấm Hoàng là ông Nguyễn Hữu Hoàng, sau này là bố vợ của đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
(Xem tiếp phần 4)
(Xem tiếp phần 4)
http://langphule.com/NguoiPhuLeDetail.aspx?id=8
0 Comments